Bài chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas) - tại sự kiện Hội ngộ sau drupa 2024: Chuyển đổi số để phát triển bền vững, do công ty e-Print&Pack tổ chức ngày 05/07/2024.

Thưa anh Toàn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH e-Print&Pack,

Thưa các chị, các anh,

Drupa 2024 diễn ra trong 11 ngày, tôi có 2 ngày tại Drupa, thời gian ít, tôi đã cố gắng dạo qua đủ 17 hall, tuy vậy còn phải dành thời gian thăm các đối tác của Vinpas, đặc biệt là các đối tác đã đồng hành với Giải Thưởng Bao Bì Việt Nam, sự kiện lớn nhất trong năm của Vinpas.

Thời gian ở Drupa không nhiều do đó tôi xin trình bày những gì mình cảm nhận, ý tưởng gì mình thú vị.

Gian hàng Koenig & Bauer tại drupa 2024 - Nguồn: drupa.com

Câu chuyện đầu tiên là Chuyển đổi số

Khắp nơi, nhà triển lãm nào cũng nói, gần như máy nào cũng được khoe, tất nhiên các đại gia như Koenig & Bauer, Komori, Konica, … có rất nhiều “đồ chơi”, hấp dẫn và thuyết phục người xem. Có hết, từ các phần mềm chế bản, in, thành phẩm, còn nhiều công cụ khác như kế hoạch, điều độ, giao tiếp trực tiếp với khách hàng… Câu chuyện chuyển đổi số còn dẫn đến tự động hóa, đến trí tuệ nhân tạo, còn có robot, …, đó là một hệ thống phức tạp, nhìn thấy ngộp. 

Tôi ngẫm nghĩ đằng sau những phong phú, đa dạng, phức tạp đó là gì?

Tôi hiểu là nhanh, là chính xác

Nhanh là không chậm, là tốc độ, là bằng hoặc nhiều hơn mong muốn.

  • Lưu chuyển các công đoạn hợp lý, không có khoảng cách thừa, không chậm trễ so với lệnh sản xuất. Đường ngắn hơn, đi nhanh hơn. Đi nhanh nhưng ít tốn kém,
  • Sản xuất nhanh, giao hàng đúng,
  • Nhanh còn là thông tin thông suốt, thông suốt mà chính xác và kịp thời,
  • Nhanh là không lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc.

Chính xác là không có sai sót, không có sai lệch, là đúng hoàn toàn.

  • Đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình, đúng vật tư, đúng thời gian, đúng việc, đúng người, 
  • Đúng còn là chất lượng, chất lượng đúng như khách hàng yêu cầu,
  • Đúng còn là nói sao làm vậy, hứa là làm.

Hai chữ nhanh và chính xác nghề làm bao bì của chúng ta nói hoài, nghe hoài, quen thuộc lắm. Điều trớ trêu ai ai trong chúng ta cũng trả giá, đôi khi giá này khá đắc.

Khu diễn đàn Touchpoint Sustainability (Điểm chạm Bền vững) tại drupa 2024 - Nguồn: drupa.com

Câu chuyện thứ hai là Tính bền vững

Bền: chắc chắn, tồn tại lâu dài. Bền vững là vững chắc bền lâu, không lay chuyển được.

Hiện nay khái niệm bền vững được đề cập theo khía cạnh thân thiện với môi trường, rộng hơn tính bền vững gắn với nền kinh tế tuần hoàn. Tôi nhờ anh em đếm giúp, trong 11 ngày ở Drupa có 360 bài trình bày cho 19 chủ đề, trong đó có 118 bài trực tiếp hoặc liên quan đến tính tính bền vững, nghĩa là 33%, đủ thấy tầm quan trọng của vấn đề. Có thể nói sự bền vững của doanh nghiệp là mong muốn tột cùng của chủ doanh nghiệp, bởi nó làm cho doanh nghiệp của chúng ta sống khỏe, sống vui, sống lâu. Nói khác đi doanh nghiệp của chúng ta luôn đứng vững trước thử thách, tăng doanh số, có lãi như kỳ vọng.

Yêu cầu của tính bền vững dễ nhận thấy nhất ở việc sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu. Ví dụ như thiết bị ít tốn điện, nhà máy sử dụng điện tái tạo, điện mặt trời, …. Nguyên vật liệu đưa vào sản xuất vừa đúng, vừa đủ, nguyên vật liệu có thể tái chế.

Lan man một chút, người ta nói trái đất có tuổi đời khoảng 4 tỷ năm và người ta cũng nói con người có trên trái đất đâu đó được 200.000 năm. Tuyệt đại thời gian này con người sống hòa bình, thân thiện, cân bằng với trái đất. Chỉ từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào cuối thế kỷ 18, nghĩa là cách nay đâu đó khoảng 250 năm. Với cái gọi là “nền kinh tế tuyến tính truyền thống”, tài nguyên đã bị khai thác triệt để, sử dụng lãng phí, đã vậy còn đưa ra môi trường lượng rác thải khổng lồ phá vỡ sự cân bằng của thiên nhiên. 

Bây giờ chúng ta nói về tính bền vững, chúng ta hành động để có nền kinh tế tuần hoàn là chúng ta đang sửa sai, chúng ta chuộc lại lỗi lầm của những thế hệ trước và của chính chúng ta.

Đã quá muộn, chúng ta cần bắt tay ngay để hoạt động doanh nghiệp ngày càng tiệm cận với yêu cầu bền vững. Sẽ đòi hỏi nhiều công sức, hãy hiểu rõ luật môi trường và các qui định liên quan, hãy tìm hiểu và sớm áp dụng các tiêu chuẩn bền vững như tiêu chẩn ESG như là bước đi một cách có hệ thống. Và tất nhiên còn nhiều việc nữa phải làm.

Tôi muốn đưa ra một tín hiệu đáng mừng, ở Giải thưởng Bao Bì Việt Nam 2024, riêng lãnh vực bao bì nhựa mềm có 66,7% bao bì dự thi sử dụng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.

Chúng ta là dân làm ăn cho nên cũng hiểu, chuyển đổi số, nhanh, chính xác, bền vững cũng không tự nhiên mà xuất hiện, nó chính là yêu cầu của thị trường. Thương mại điện tử, mua bán trực tuyến,… là những nhân tố rất quan trọng. Vậy cũng có thể hiểu Drupa đại diện cho xu hướng, Drupa thay mặt thị trường thúc dục chúng ta, nhanh, chính xác, bền vững.

Thưa các chị, các anh,

Đối với in, với nghề làm bao bì, người ta nói ở Drupa có đủ. Muốn nhanh có nhanh, muốn chính xác có chính xác, muốn bền vững có bền vững. Lát nữa đây các anh chị sẽ nghe anh Tuấn, anh Vũ đề cập đến các khía cạnh kỹ thuật. công nghệ để muốn nhanh có nhanh, muốn chính xác có chính xác… Riêng tôi tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố con người, muốn là con người muốn, Đã muốn phải biết làm, phải hành động với phương pháp đúng, kiên trì, nhẫn nại, hành động tổng thể và có hệ thống.

Drupa có đủ, có đủ không có nghĩa chỉ để mua, làm sao mà mua hết, mà mua hết để làm gì? Mua cái cần, cái phù hợp nếu như có tiền. Chưa đủ tiền, hoặc tiền đang “bận” hãy mua cái thiết yếu, có thêm nó chúng ta dễ xoay xở, dễ tháo gỡ điểm nút. Không có tiền, cũng chưa sao, chúng ta hãy là gì đó. Ví dụ, cải tiến công việc; hợp lý hóa qui trình; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tránh lãng phí để tiết kiệm nhiều hơn; bám sát, chăm lo tận tâm các khách hàng chiến lược, miễn sao nhanh hơn, chính xác hơn, bền vững hơn.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng biết năng lực thực thi quyết định 80% thành công.

Sau cùng tôi muốn cám ơn anh Toàn và các bạn ePP đã tổ chức buổi gặp mặt này, nhờ vậy chúng ta có thêm cơ hội gặp gỡ, trao đổi.

Chúc các chị, các anh có ngày cuối tuần thú vị, vui vẻ với nhiều thu hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas) - tại sự kiện Hội ngộ sau drupa 2024

NGUYỄN NGỌC SANG 

NGUỒN: VINPAS 

Tin tức khác